Văn Miếu Tuy Hòa

Thứ ba - 23/01/2024 22:53 103 0

            Trong số các công trình kiến trúc ở phủ Tuy Hòa xưa (bao gồm TP Tuy Hòa và các huyện Phú Hòa, Đông Hòa, Tây Hòa ngày nay) thì Văn miếu Tuy Hòa - một công trình kiến trúc lịch sử - văn hóa có ý nghĩa quan trọng. Sự ra đời của Văn miếu Tuy Hòa đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển văn hóa, quá trình học tập, thi cử của nhân sĩ và nhân dân vùng đất nằm hai bờ lưu vực sông Ba. Đặc biệt, dưới thời Nho học, văn miếu là nơi vinh danh các nhà khoa bảng đã đỗ đạt, khuyến khích việc học để làm rạng rỡ vùng đất Tuy Hòa - nơi mà 400 năm trước vị thành hoàng Lương Văn Chánh dày công khai phá, góp phần vào việc hình thành tỉnh Phú Yên. 
 

Di tích Văn Miếu Tuy Hòa.
Di tích Văn miếu Tuy Hòa

               Văn miếu Tuy Hòa xây dựng năm 1877, dưới triều vua Tự Đức thứ 30. Người có công trong việc tạo lập văn miếu phải kể đến hai vị tú tài Trương Chính Đường và Ngô Quang Khuê(1) cùng thân hào, nhân sĩ Tuy Hòa góp sức. Lúc đầu, văn miếu là một văn chỉ lộ thiên được kiến lập trên đỉnh núi Nhạn Tháp, dùng làm nơi thờ phượng và tế tự đức Khổng Tử - người được hậu thế tôn vinh là Vạn thế sư biểu (người thầy của muôn đời). Về sau, vào năm Thành Thái thứ 17 (1905), văn miếu dời lên núi Cẩm Sơn, làng Hà Bình, tổng Hòa Bình(2) (nay là thôn Cẩm Sơn, xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa). Tại vị trí mới, nơi có địa cuộc phong thủy tốt, văn miếu được xây dựng khang trang, bề thế, trở thành nơi yết bái, tế tự thánh Khổng Phu Tử của nhân sĩ và quan chức phủ Tuy Hòa trong gần 60 năm đầu thế kỷ XX.

 
              Văn miếu Tuy Hòa tọa lạc trên sườn phía nam dãy núi Lò Kho, mặt quay về hướng nam, nhìn xuống cánh đồng như ô bàn cờ xanh ngan ngát, trải rộng tít tắp của xã Hòa Quang Bắc. Cách văn miếu về hướng đông nam chừng 300m là kênh dẫn thủy số 1 (premiere artere) bốn mùa nước trong xanh và hơi chếch về bên trái là hòn Yên Mã Sơn (còn gọi là núi Ễn, hòn Kỳ Lân) làm bức bình phong án ngự che chắn; và xa xa là sông Bến Lội uốn khúc quanh co giữa ruộng lúa bát ngát và những hòn Nựu Sơn (núi Chóp Chài), Thạch Bi Sơn (núi Đá Bia) ẩn hiện một màu xanh thẫm. Cách 500m về phía bắc là mộ Bang Liềm- một thương nhân người Hoa nổi tiếng ở Tuy Hòa đầu thế kỷ XX. Các nhà nho phủ Tuy Hòa xưa đã khéo chọn nơi này để lập văn miếu với phong cảnh hữu tình, núi sông hòa quyện nhau như bức tranh thủy mặc, khiến ai một lần đến nơi này đều ngẩn ngơ, quyến luyến không muốn rời chân.


 

Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Tỉnh Văn miếu Tuy Hòa
Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Tỉnh Văn miếu Tuy Hòa

                Theo ký ức của những bậc cao niên làng Cẩm Sơn, các nhà cựu nho ở Tuy Hòa và nguồn tư liệu thực địa, thì quần thể kiến trúc Văn miếu Tuy Hòa gồm 2 khu: khu văn miếu thờ đức Khổng Tử, các bậc tiên hiền của nho giáo và dãy nhà Quan cư, thần trù.
 
                Khu văn miếu có kết cấu kiểu chữ tam, bao gồm 3 phần: tiền tế, trung từ và hậu cung, diện tích mỗi phần 12x7m. Phần tiền tế là một sân rộng, có cột cờ đế hình lục giác xây bằng gạch thẻ để treo đại kỳ, bao bọc xung quanh là tường thành, phía mặt tiền có 4 trụ vuông dựng tượng lân sư hai bên, giữa là búp hoa sen. Giữa tiền tế và trung từ có bậc tam cấp dành cho quan khách bước lên chánh điện khi hành lễ. Khu trung từ và hậu cung kiến trúc giống nhau, khung nhà làm bằng gỗ theo kiểu vì kèo trụ trốn, một gian hai chái, chạm trổ sơn son thiếp vàng đẹp đẽ và uy nghiêm. Phần hậu cung là bộ phận quan trọng của văn miếu, được thiết kế bởi điện thờ có treo chân dung đức Khổng Tử, phía trước án tiền là tấm bình phong có vẽ hình rồng chầu hổ phục. Hai bên chánh điện có câu đối nay đã mờ nhạt không rõ nét chữ. Phía tả - hữu chánh điện có bàn tế lộ thiên.
 
             Bên ngoài khu nội tự văn miếu là thần khố (nhà kho) nằm sau hậu cung về phía tả, chứa vật dụng như đèn lồng, trống, cờ, chiếu cỗ, áo quần, chén bát,…dùng cho các kỳ tế cáo. Hai bên khu nội tự có lối đi dành cho các vị chức sắc từ hàng tri phủ đến chánh, phó tổng và lý dịch trong làng khi lên hành lễ. Từ kênh dẫn thủy số 1 nhìn lên, toàn bộ khu nội tự văn miếu núp dưới tàng cây cầy (kơ-nia) tỏa bóng che mát. Lúc mới lập, văn miếu mái lợp tranh, tường vách xây bằng gạch, đá, sử dụng chất kết dính là vôi sống, cát. Năm 1960, văn miếu được trùng tu sau thời gian 9 năm kháng chiến chống Pháp bị hư hại. Lần trùng tu này, khu hậu cung chánh điện được sửa sang phần mái, lợp ngói âm dương, bao quanh là tường thành, có cổng tam quan trông rất khang trang.
 
             Đối diện văn miếu khoảng 20m là dãy nhà Quan cư. Đây là kiểu nhà lợp tranh, tường quét vôi, gồm 3 gian 2 chái theo kiểu truyền thống để quan nha và các chức sắc phủ Tuy Hòa nghỉ chân, sửa soạn lễ phục trước khi vào tế miếu. Khu nhà Quan cư chia làm nhiều phòng, bài trí ghế ngồi dành cho tri phủ, còn hàng chánh, phó tổng, lý, hương, bô lão, thứ dân trong làng ngồi dưới chiếu cỗ theo thứ tự. Nơi này còn là chỗ đãi tiệc cho quan khách sau buổi tế cáo. Cách nhà Quan cư 100m về phía tả là bãi đất trống để chăn thả ngựa của quan khách đến dự buổi tế, chính quyền địa phương nghiêm cấm dân trong vùng để trâu bò vào gặm cỏ. Ngoài ra còn có thần trù (nhà bếp) nằm kế bên nhà Quan cư được xây dựng để nấu nướng phục vụ việc tế cáo và tiệc tùng.
 
           Toàn bộ quần thể kiến trúc văn miếu có người thủ đền trông coi, làm nhiệm vụ quét dọn, lau chùi điện thờ và thắp hương hàng đêm, mở cửa cho các chức sắc hoặc sĩ tử mỗi khi lên yết cáo thánh Khổng Phu Tử(3).
 
              Văn miếu khi mới thành lập, mỗi năm có 2 lần tế đức Khổng Tử và các bậc tiên hiền vào mùa xuân và mùa thu do hội Văn Phổ phủ Tuy Hòa tổ chức (ngày 10 tháng hai và 10 tháng tám âm lịch). Sau năm 1945, do chiến tranh ác liệt ảnh hưởng việc đi lại nên tổ chức cúng tế đơn giản hơn; mỗi năm tiến hành tế lễ vào một ngày “Đinh” của mùa xuân gọi là tế Xuân Đinh.
 
            Vào đêm trước ngày tế lễ, đèn lồng thắp sáng cắm dọc hai bên đường từ mương dẫn thủy lên đến văn miếu. Đại kỳ cũng được kéo lên trên đỉnh cột cờ tại khu tiền tế. Trong ngày tế, các vị nho học là hội viên hội Văn Phổ và quan nha phủ Tuy Hòa đến văn miếu làm lễ yết bái. Việc tế tự “cũng đầy đủ những nghi thức lễ nhạc có chánh tế, bồi tế cùng với chiêng trống bát nhã, văn tế và vật tế, thức ăn, trà rượu, thịt, hoa quả. Vật tế có thể là bò, heo hay dê thay đổi mỗi năm”(4).

              Thông thường một kỳ tế thánh ngoài phần nghi lễ theo truyền thống từ đêm hôm trước do các chức sắc và bô lão địa phương đảm nhận, thì sáng hôm sau nghi thức khai mạc do hội Văn Phổ Tuy Hòa tiến hành theo các bước:
- Chánh thư ký Hội Văn Phổ đọc chương trình hành lễ
- Chánh Hội trưởng đọc diễn văn đề cập truyền thống hội Văn Phổ
- Phó Hội trưởng đọc tiểu sử Đức Khổng Phu Tử
- Tri phủ hoặc đại diện chính quyền đọc diễn từ đề cập những thành tích về học hành, đỗ đạt của nhân sĩ trong phủ cũng như vai trò, ý nghĩa của tư tưởng Nho giáo trong việc giữ gìn đạo đức, phong hóa dân tộc.
Ông Đỗ Bá Tùng, người làng Cẩm Sơn nay đã bước vào tuổi bát tuần đã chứng kiến nhiều kỳ lễ tế thánh trước năm 1945 tại văn miếu, may mắn còn lưu giữ bài văn tế. Bài văn tế có đoạn: 
“Duy
Đại Nam quốc
Tuế thứ…, nhị nguyệt…, thập nhật…
Phú Yên tỉnh, Tuy Hòa phủ, Hòa Bình tổng, Cẩm Sơn thôn.
Bổn ấp Hà Bình, các giới nam, nữ, lão, ấu đẳng.
Chánh tế…, bồi tế…, đông hiến… tây hiến…
Cẩn dĩ can lạp tư thành kim ngân, thanh chước thứ phẩm chi nghi.
Cảm chiêu cáo du!
Thành Hoàng bổn xứ, Thổ Địa chi thần, Hoàng Thiên Hậu Thổ, Ngũ Phương trực Trạch.
Kim Niên Thái tuế, Đức Thánh Khổng Phu Tử, Chi đức tôn thần, Địa Chúc long mạch tôn thần.
Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai khẩn, Tả ban liệt vị, Hữu ban liệt vị.
Lang Nhĩ tôn thần, Hà Bá thủy quan, Vô hà danh, hà tánh, âm hồn, cô hồn, các thần linh bổn xứ thiệp lại tôn thần phò trì chi gia huệ giã.
Thành tế dĩ lễ, thận chung tự điển cảm phi, tư nhân xuân tế, lễ thiết phỉ nghi, án tiền đối diện, nguyện dáng đơn thành…
Phục dĩ thượng hưởng”.
            Việc tế lễ hàng năm tổ chức tại văn miếu thể hiện sự tôn kính đối với Đức Khổng Tử và các bậc tiên hiền nho gia, và còn là dịp chấn hưng phong hóa, giữ gìn đạo đức, khuyến khích việc học, cầu mong sự nghiệp giáo dục ngày càng tiến bộ trên địa bàn phủ Tuy Hòa. Trong dịp lễ tế thánh, hội Văn Phổ còn ôn lại truyền thống học tập và truyền cho nhau nghe về tấm gương hiếu học của quan nhân Đào Tấn Tú - vị cử nhân khai khoa vùng đất Tuy Hòa(5).
            Ngoài vai trò thờ phụng, văn miếu còn là nơi vinh danh những người đỗ đạt trong các kỳ thi hương ở phủ Tuy Hòa. Năm nào có khoa thi, thì sĩ tử trong phủ hội lại làm lễ khoa kỳ, hoặc làm lễ để cầu mong cho bổn phủ được nhiều người hiển đạt. Khi thi xong, những sĩ tử có tên trong bảng vàng thì lúc về phải có lễ cẩn cáo tại văn miếu để tạ ơn đức Khổng thánh và tiên hiền. Năm 1942, sĩ tử Trần Suyền, người làng Phong Niên, tổng Hòa Tường thi đỗ tú tài Tây học tại Huế. Nhân sĩ Tuy Hòa phấn khởi đem võng, lọng cờ hoa rước về vinh quy bái tổ và làm lễ cẩn cáo ở văn miếu. Trước đó, tại văn miếu, hội Văn Phổ cũng đã tổ chức lễ vinh danh các vị khoa bảng nho học ở Tuy Hòa hiển đạt trong các kỳ thi hương tại trường thi Bình Định:
* Hạng cử nhân gồm có:
+ Đặng Châu, người làng Củng Sơn, đỗ khoa thi năm 1885
+ Phạm Đàm, người làng Năng Tịnh, đỗ khoa thi năm 1906
+ Trương Trọng Cầu, người làng Vĩnh Xuân, đỗ khoa thi năm 1909
+ Trần Đình Hiến, người làng Quy Hậu, đỗ khoa thi năm 1918
* Hạng tú tài gồm các vị:
+ Tô Quế, người làng Cẩm Tú, đỗ khoa thi năm 1894
+ Huỳnh Huệ Địch, người làng Tường Quang, đỗ khoa thi năm 1903
+ Trương Dụng Bút, người làng Mỹ Thạnh, đỗ khoa thi năm 1912
+ Lê Ngọc Cẩn, người làng Phú Lương, đỗ khoa thi năm 1912
+ Lê Doãn Cung, người làng Bàn Thạch, đỗ khoa thi năm 1912 
Hoạt động tế lễ ở văn miếu kết thúc vào năm 1962, khi vùng Cẩm Sơn và khu vực núi Lò Kho trở thành chiến trường giao tranh ác liệt giữa lực lượng cách mạng và chính quyền Sài Gòn. Lúc này hội Văn Phổ Tuy Hòa chuyển địa điểm sinh hoạt xuống TX Tuy Hòa và mở hội quán, lập văn miếu mới. Về sau tại vị trí này, Hội Khổng học Phú Yên được thành lập, cùng với văn miếu mới tiếp tục việc khuyến học, khyến tài đã duy trì hơn nửa thế kỷ trên vùng đất Tuy Hòa.

           Trải qua thời gian, thiên nhiên và chiến tranh tàn phá, Văn miếu Tuy Hòa từ một di tích lịch sử - văn hóa có thắng cảnh đẹp trở thành một nơi hoang phế. Toàn bộ khu nội tự văn miếu đã đổ sập, chỉ còn trơ lại phần nền và tường thành bao quanh với những tượng linh thú sứt mẻ. Dãy nhà Quan cư cũng bị thời gian bào mòn không còn dấu tích. Thiết tưởng các cơ quan quản lý, bảo tồn di tích ở Phú Yên nên sớm khôi phục, trùng tu di tích lịch sử - văn hóa này, để lớp hậu thế mai này không chỉ biết đến văn miếu một thời là nơi rèn đức, luyện tài, lưu giữ nền nếp gia phong… qua ký ức của những bậc cao niên, mà là di tích lịch sử - văn hóa hiện hữu trên quê hương núi Nhạn sông Đà.
 
             Khôi phục di tích văn miếu tại Cẩm Sơn là phục dựng biểu tượng tinh thần hiếu học của người dân Tuy Hòa kiên cường, bất khuất. Di tích này sẽ cùng với hệ thống các di tích trên địa bàn huyện Phú Hòa như đền thờ và mộ Lương Văn Chánh, di tích lịch sử - văn hóa Núi Sầm, di tích Núi Tranh, nhà tưởng niệm Trần Hào, di tích mộ Phó lãnh binh Nhị phẩm Dương Văn Khoa, mộ danh nhân Đào Tấn Tú, mộ Trần Đôn, Phạm Dãn- thủ lãnh phong trào chống thuế năm 1908 ở Tuy Hòa… tạo thành một cụm các di tích lịch sử - văn hóa phục vụ hoạt động tham quan du lịch khá lý tưởng, trong bối cảnh tỉnh Phú Yên kỷ niệm 400 năm hình thành và phát triển và Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung bộ Phú Yên 2011.         

 

Nguồn tin: TS. ĐÀO NHẬT KIM

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

vanbanhuyen
 

66 /QĐ - UBND

Về việc ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của UBND xã Hòa Quang Bắc

Thời gian đăng: 20/07/2023

lượt xem: 29 | lượt tải:34

12/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết Bãi bỏ Nghị quyết 25/2017/NQ-HĐND ngày 21 tháng 9 năm 2017

Thời gian đăng: 20/07/2023

lượt xem: 18 | lượt tải:13

Thông báo 07/ TB-UBND ngày 13/4�

Lịch tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND xã Hòa Quang Bắc

Thời gian đăng: 14/05/2024

lượt xem: 42 | lượt tải:41

QĐ 36/ QĐ-UBND ngày 07/4/2023

Về việc ban hành Quy chế tiếp công dân tại trụ sở UBND xã Hòa Quang Bắc.

Thời gian đăng: 14/05/2024

lượt xem: 51 | lượt tải:14

QĐ / QĐ-UBND ngày 07/4/2023.

Ban hành Nội quy tiếp công dân tại Phòng tiếp công dân xã Hòa Quang Bắc

Thời gian đăng: 14/05/2024

lượt xem: 17 | lượt tải:14
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 202

Hôm qua: 54

Tháng hiện tại: 1,387

Tháng trước: 1,682

Tổng lượt truy cập: 47,163

THỐNG KÊ DỊCH VỤ CÔNG

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây